Đình Phúc Hòa

Yên Bình
thangttvtyb@gmail.com
0365815405

Dịch vụ

Mô tả

Đình Phúc Hòa thuộc địa phận thôn Phúc Hòa 1, xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Đình cách trụ sở xã Hán Đà 2 km, cách trung tâm huyện 25 km về phía Đông, cách trung tâm tỉnh Yên Bái 35 km về phía Đông. Đến di tích đình Phúc Hòa, xã Hán Đà, huyện Yên Bình bằng đường bộ và đường thủy đều thuận lợi. Xã Hán Đà nằm trên trục đường Quốc lộ 37 đi Tuyên Quang, đây là tuyến đường nối liền các xã với trung tâm huyện nên giao thông đi lại dễ dàng và thuận lợi. Du khách đi từ thành phố Yên Bái (bến xe, ga), hoặc từ Hà Nội lên, đi theo đường Quốc lộ 70 Yên Bái - Hà Nội - Yên Bái đến ngã ba Cát Lem, đi tiếp vào xã Hán Đà là tới Di tích. Nếu du khách đi theo đường thủy: Từ bến cảng Hương Lý (thị trấn Yên Bình) đi ca nô đến bến thị trấn Thác Bà (nhà máy thủy điện Thác Bà), đi tiếp 3 km tới xã Hán Đà là đến Di tích.

5. Sơ lược lịch sử Di tích

Theo tư liệu FQ48 của Viện Thông tin khoa học và Viện Hán - Nôm Việt Nam, Đình có từ thời vua Hùng Duệ Vương. Đình là nơi ở và cũng là nơi thờ tự của Tướng Công Đài Vàng Quý Minh Đại Vượng (hiệu là Hiển Công), Tướng Công Phò Mã Án Sát Đại Vương (hiệu là Hoằng Công) và Thánh mẫu Hồng Hoa công chúa (cháu của vua Hùng Duệ Vương). Đây là ba vị tiền nhân có công đánh giặc ngoại xâm, về làng Phúc Hòa sinh sống, dạy nhân dân làm nông nghiệp, xây dựng làng xã. Sau khi mất đi ba vị hiền thánh được nhân dân lập đền thờ tự.

Theo ngọc phả hiện còn lưu giữ tại Viện Hán Nôm: Từ thời Hùng Duệ Vương (Vua Hùng thứ 18, trị vì từ năm 408 đến 258 TCN) ở châu Thượng Hồng Sứ, Hải Dương có 2 vợ chồng luôn tích đức hành thiện, phát chẩn cho dân nghèo sinh được một người con trai, lớn lên văn võ kiêm toàn đặt tên là Hoằng Công. Năm 20 tuổi cha mẹ qua đời, thấy Hoằng Công là người mưu trí, tên trùm trộm cướp trong làng muốn ông theo hầu. Hoằng Công suy nghĩ: nếu đi theo thì phúc nhà mình trôi sạch, còn nếu không theo thì cũng là tai họa. Ông quyết định lên đường tìm phong cảnh, đến thôn Phúc Chân (sau đổi thành xã Phúc Hòa, xã Hán Sài nay là xã Hán Đà) làm nơi tá túc.

Nghe tin trên núi Tản Viên có 3 anh em Sơn Thánh, Sùng Công, Hiển Công thần tiên biến hóa, Hoằng Công bèn đến đó xin kết nghĩa anh em. Một hôm, 4 anh em đến cửa thành Việt Trì dự hội thi tài kén phò mã cho Ngọc Hoa công chúa. Nhà vua thấy Sơn Thánh có nhiều tài thông thiên triệt địa, bèn gọi công chúa xuống và gả cho. Sơn Thánh đón công chúa về núi Tản Viên còn Sùng Công, Hiển Công và Hoằng Công được ở lại phò giúp nhà vua. Đất nước đang thanh bình thì giặc Hoa Liêu dẫn 50 vạn quân xâm lăng bờ cõi nước ta. Nhà vua muốn cử 3 anh em cầm quân đánh giặc. Hoằng Công nói rằng: “Bọn giặc này ô hợp như bầy thú, thần xin mấy vạn lính hùng mạnh không quá 10 ngày sẽ đánh tan bọn giặc, sao để bệ hạ và 2 anh phải phiền lòng?”.

Nhà vua lập tức ban cho Hoằng Công làm án sát các đạo Tuyên Quang, Hưng Hóa thống lĩnh 3 quân đánh giặc Hoa Liêu. Hoằng Công bái tạ dẫn binh thẳng tiến đánh tan quân giặc, bắt sống tướng giặc mang về. Vua ban thưởng và gả Hồng Hoa công chúa là cháu họ cho Hoằng Công, phong làm phò mã. Một hôm, Hoằng Công nhớ đến thôn Phúc Chân bèn cùng Hiển Công làm tấu sớ xin ân lộc. Vua ban cho thôn Phúc Chân được miễn sưu sai tạp dịch. Nhân dân thôn Phúc Chân từ già đến trẻ đều vui mừng lập hành cung, làm lễ đón Hiển Công, Hoằng Công và Hồng Hoa công chúa về ở tại thôn Phúc Chân.

Bấy giờ vua đã lâu, Thục Vương (là dòng dõi Hùng gia chủ bộ Ai Trác) nghe tin vua đã nhiều tuổi, 20 con trai đã về cõi tiên, không có người kế vị bèn tập hợp binh mã chia làm 3 đạo quân tiến vào. Nhà vua sai Hiển Công, Hoằng Công dẫn 10 vạn binh tiến đến Hoan Châu chặn các đường thủy bộ của giặc. Sơn Thánh cùng các tướng hùng binh chia làm các đạo tiêu diệt giặc.

Tại cung Phúc Chân cũng tập hợp được 100 đinh tráng làm gia thần tham gia đánh giặc. Thắng trận khải hoàn, vua ban chiếu triệu hồi gia phong tướng sỹ: phong Sơn Thánh là Nhạc phủ kiêm Thượng đẳng thần; phong Hiển Công là Đại vàng Quí Minh Đại Vương; Hoằng Công là Phò mã án sát Đại Vương. Hai ông bái tạ trở về cung Phúc Chân. Từ đó 2 ông cùng nhân dân địa phương hưởng thái bình.

Một hôm, 2 ông cùng Hồng Hoa công chúa ngự ở Hành cung, bỗng thấy cầu vồng như hình tấm lụa đỏ từ trên trời bay xuống trước cung. Mưa gió nổi lên, trong chốc lát lại tan biến, trời đất sáng tỏ nhưng không thấy Hồng Hoa đâu nữa. Hôm đó là ngày 19 tháng 7. Hai ông viết thần hiệu đặt thờ Hồng Hoa công chúa bên phải Hành cung. Đến ngày 13 tháng 10, trên đường đi du ngoạn, trong một trận mưa to gió lớn hai ông đã biến hóa về trời. Người dân Phúc Chân hành lễ viết thần hiệu lập miếu thờ các ông tại Hành cung, sau đổi thành đình Phúc Hòa. Trải qua các triều: Đinh, Lê, Lý, Trần đều được tu bổ, tôn thờ.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Đình Phúc Hòa là nơi hội họp của hàng lý  tổng, chánh tổng để bàn việc làng, việc nước. Trải qua những biến cố của lịch sử, đền Phúc Hòa đã mất hẳn dấu tích, đến nay đền Phúc Hòa đã được tu sửa, xây dựng khang trang là nơi tổ chức hoạt động tâm linh để mọi người tưởng nhớ đến công lao của các bậc tiền nhân.

6. Các nhân vật được thờ tự

Đình Phúc Hòa thờ ba vị tiền nhân Tướng Công Đài Vàng Quý Minh Đại Vượng (hiệu là Hiển Công), Tướng Công Phò Mã Án Sát Đại Vương (hiệu là Hoằng Công) và Thánh mẫu Hồng Hoa công chúa (cháu của vua Hùng Duệ Vương) có công đánh giặc ngoại xâm, về làng Phúc Hòa sinh sống, dạy nhân dân làm nông nghiệp, xây dựng làng xã. Sau khi mất đi ba vị hiền thánh được nhân dân lập đền thờ tự.

7. Các hiện vật trong Di tích

Đình Phúc Hòa lưu giữ 3 sắc phong do Giáo sư Hoàng Giáp - Viện Hán Nôm Việt Nam và Hòa thượng Thích Minh Hoạt - chủ trị chùa Quán Sứ - Hà Nội trao lại, gồm: 1 sắc phong của Vua Tự Đức năm 1880 và 2 sắc phong của Vua Đồng Khánh năm 1887 cho đình Phúc Hòa.

8. Phong tục lễ hội

- Ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm tổ chức hội gồm các nội dung như giao lưu văn nghệ các thôn trong toàn xã và các xã bạn, các trò chơi bịt mắt bắt lợn, bắt vịt, bắt cá, ném vòng cổ chai, chọi gà, leo cây chuối… Các môn thể thao: thi đấu bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng, kéo co, đẩy gậy…

- Ngày mùng 8 tháng Giêng: Lễ chính gồm có tế lễ, các đoàn của các thôn, các đơn vị hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp và nhân dân có lễ vật vào dâng lễ.

- Ngày 18 tháng 7 âm lịch: Chuẩn bị Ngày giỗ Thánh Mẫu Hồng Hoa công chúa có tổ chức văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian.

- Ngày 19 tháng 7 âm lịch chính giỗ: Gồm có các nội dung ôn lại thần tích của đình; các đoàn đại biểu và bà con nhân dân dâng lễ vật. Với truyền thống nhân dân góp giỗ và ăn giỗ tại đình, mỗi năm có khoảng trên 200 người tham gia.

- Ngày 12 tháng 10 âm lịch: Chuẩn bị ngày giỗ của hai vị Tướng Công Đài Vàng Quý Minh Đại Vượng, Tướng công Phò mã án Sát Đại Vương có tổ chức văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian.

- Ngày 13 tháng 10 âm lịch: Ngày giỗ của hai vị Tướng Công Đài Vàng Quý Minh Đại Vượng, Tướng Công Phò Mã Án Sát Đại Vương, các đoàn đại biểu và bà con nhân dân dâng lễ vật. Lễ hội đình Phúc Hòa không chỉ là hoạt động tâm linh để mọi người tưởng nhớ đến công lao của các bậc tiền nhân mà còn là dịp lưu giữ những nét đẹp văn hóa, đồng thời giáo dục các thế hệ sau biết trân trọng, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, cùng một lòng dốc sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Với những giá trị về văn hóa và giá trị lịch sử của đình Phúc Hòa,  để góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, bản sắc văn hoá truyền thống cộng đồng các dân tộc vùng hạ lưu sông Chảy. Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã công nhận đình Phúc Hòa, xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Những điểm lân cận

Bản đồ